Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc

Núp dưới bóng hình cổ kính với cây đa, giếng nước, sân đình, làng lụa Vạn Phúc hiện lên mang một dáng dấp đã nhuốm màu thời gian, với sứ mệnh lưu giữ vẻ đẹp tinh túy của một làng nghề truyền thống nghìn năm tuổi. 
Hiện nay, làng nghề dệt lụa gấm Vạn Phúc đang từng bước quảng bá nét đẹp văn hóa, cũng như trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến với vùng đất nghìn năm văn hiến - Thủ đô Hà Nội này.


Đôi điều về làng lụa Vạn Phúc

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km, làng lụa Vạn Phúc hay còn gọi là Làng lụa Hà Đông thu hút khách du lịch bởi sự nức tiếng của làng nghề dệt lụa trăm tuổi, cũng như sự gắn liền của nó với những dấu mốc lịch sử Việt Nam. 

Theo như một số tài liệu và di vật cổ còn lưu lại, người ta cho rằng vùng đất này được xác lập từ những năm 865 SCN, và nghề dệt vải lụa đã được ra đời cách đây 1000 năm về trước. Trước đây, làng Vạn Phúc còn có tên là Vạn Bảo, nhưng do sau khi nhà Nguyễn kỵ huý nên đã đổi tên thành Vạn Phúc như ngày nay. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, làng lụa đã dần khẳng định được vị trí, danh tiếng và chất lượng của mình. Năm 1931, lần đầu tiên lụa Vạn Phúc được giới thiệu ra thị trường quốc tế tại hội chợ Marseille ( Pháp) và được nhiều người đón nhận, người dân Pháp cho rằng đây là loại sản phẩm tinh xảo nhất của vùng Đông Dương. Đến năm 1958, lụa Vạn Phúc xuất sang các nước Đông Âu và đến nay vẫn được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới. 

Những dấu mốc son chói lọi trong việc vươn ra thế giới đã khẳng định được vị thế của bản thân mình. Cho đến ngày nay, dẫu có trải qua bao nhiêu thế hệ thì lụa Vạn Phúc vẫn giữ được hình hài vốn có của nó, vẫn là ngôi làng nghề cổ với những giá trị bền đẹp trong văn hóa Việt Nam.

(Cổng làng lụa Vạn Phúc - nơi lưu truyền vẻ đẹp tinh túy của văn hóa Việt Nam)

Lụa Vạn Phúc

Chất lượng của lụa Vạn Phúc vẫn là một thứ gì đó rất khác biệt so với các loại vải ở những nơi khác. Qua dòng thời gian, lụa Vạn Phúc vẫn giữ được vị trí đi đầu trong ngành dệt Việt Nam. Tơ lụa Vạn Phúc luôn được đánh giá là bền đẹp, bởi các nghệ nhân phải sử dụng đôi bàn tay khéo léo, cũng như phải trải qua rất nhiều quy trình nghiêm ngặt để tạo ra thành phẩm chất lượng, như: nuôi tằm, lấy tơ, dệt lụa, nhuộm vải,... Hoa văn được thiết kế trên lụa cũng rất tinh xảo, đường nét thanh thoát, cân xứng, các chi tiết dường như trông rất giản đơn nhưng lại vô cùng tinh tế, phóng khoáng, mang lại cảm giác vừa giản dị, vừa quý phái. 

Chính vì nét thanh lịch của lụa Vạn Phúc đấy đã giữ chân biết bao người, muốn mua và sử dụng nhiều hơn nữa.

(Lụa làng Vạn Phúc. Nguồn ảnh: mia.vn)

Kinh nghiệm “du hí” tại làng lụa Vạn Phúc

Quyết định trước món đồ sẽ mua

Khi đến với làng lụa Vạn Phúc, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi các mặt hàng lụa là được bày bán tại đây. Thế nên, việc mua đồ tràn lan hoặc phân vân không biết mua gì thì là điều rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, nếu có dự định mua hàng ở đây, bạn nên có sẵn một danh sách những sản phẩm cần mua để tránh tình trạng “thích cái nọ, xọ cái kia”.

(Các mặt hàng lụa đa dạng tại Vạn Phúc)


Tham khảo giá

Các mặt hàng ở đây thì quá đa dạng, kể “một ngày một đêm” cũng không bao giờ hết. Và hầu hết chúng ta thường bị hấp dẫn bởi cái đẹp, nhìn thấy cái gì cũng muốn mua, muốn sở hữu, mặc dù chúng chưa cần thiết cho mình. Chính vì vậy, hãy tham khảo mức giá ở một vài cửa hàng để tránh việc vung tiền quá trán. 

Theo như khảo sát những người từng mua hàng tại đây, họ đều cho rằng giá cả ở chợ lụa Vạn Phúc rất phải chăng, không bị chênh lệch giữa các gian hàng với nhau quá lớn. Các mặt hàng thường chỉ giao động ở mức từ 100.000 - 500.000 VNĐ, song bạn vẫn có thể thỏa thuận với người bán với mức giá thấp hơn.

(Tuy vậy, giá cả các mặt hàng rất phải chăng)

Nên chuẩn bị đồ ăn

Theo như kinh nghiệm đã từng khám phá tại chợ làng lụa Vạn Phúc thì đồ ăn ở đây khá phong phú, du khách sẽ dễ dàng tìm được các quán ăn cho riêng mình. Tuy nhiên, hầu hết các món ăn được bày bán là những món ăn vặt, không phù hợp để ăn bữa chính, giá thành cũng nhỉnh hơn so với nơi khác. Vì vậy, trước khi “khởi hành” khám phá làng lụa, bạn nên chuẩn bị cho mình một “chiếc bụng no” hoặc một balo đầy thức ăn để tránh bị đói bạn nhé! 

(Mê mẩn con đường tại làng lụa Vạn Phúc. Nguồn ảnh: Sở du lịch Hà Nội)


Làng nghề dệt vải Vạn Phúc sẽ là một điểm đến tuyệt vời cho những ai thích tìm hiểu văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung và nghề làm tơ lụa nói riêng. Chắc chắn du khách khi đến đây sẽ có một trải nghiệm tuyệt vời và khó quên.

(024) 7779 6888