Trải nghiệm tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc

Làng lụa Vạn Phúc là một trong những điểm đến lý tưởng tại Hà Nội cho những ai muốn khám phá nét đẹp truyền thống Việt Nam. Không chỉ nức tiếng về chất lượng lụa, sự lâu đời của làng nghề, mà làng lụa Vạn Phúc còn nổi tiếng về những điểm check-in độc đáo như: con đường ô sắc màu, bức tường bích họa,...hay tham quan nét cổ kính tại chùa Vạn Phúc. Hãy cùng theo chân chúng mình để trải nghiệm “một ngày tại làng lụa Vạn Phúc” nhé!

Đường đến làng lụa Vạn Phúc

Làng lụa cách trung tâm Hà Nội 10km, để di chuyển đến làng cũng vô cùng thuận tiện khi có các điểm xe công cộng chạy qua. Du khách có thể tham khảo một số cách di chuyển đến làng Vạn Phúc sau đây:
Di chuyển bằng xe bus: Phương tiện công cộng phù hợp giúp bạn di chuyển nhanh chóng và tiết kiệm. Một số tuyến xe bus chạy qua làng Vạn Phúc: xe số 3,7,14, 20c, 25, 26, 31, 32, 36, 50, 55, 79.
Di chuyển bằng taxi, xe ôm công nghệ: Hiện nay, các phương tiện công nghệ đang rất phổ biến với giá thành phù hợp, phải chăng. Vì vậy, nếu bạn còn đang bỡ ngỡ với các tuyến đường tại Hà Nội thì có thể tham khảo phương thức di chuyển này để đảm bảo an toàn nhất nhé. 
Di chuyển bằng xe cá nhân: Nếu bạn muốn tự do lịch trình, kết hợp tham quan nhiều điểm du lịch khác nhau, bạn có thể sử dụng phương tiện cá nhân của mình. Tuyến đường trung tâm đến làng lụa Vạn Phúc: trung tâm Hà Nội - đường Nguyễn Trãi - bưu điện Hà Đông - rẽ phải đến Vạn Phúc. Hoặc bạn cũng có thể đi tuyến: trung tâm Hà Nội - đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - làng Vạn Phúc.
 
(Xe bus - phương tiện di chuyển đến làng Vạn Phúc vừa rẻ vừa an toàn)

Trải nghiệm trọn vẹn tại làng nghề dệt vải Vạn Phúc 
 
Check-in tại con đường ô lung linh

Khi bước vào bên trong cổng làng, ta ngỡ như đang bước vào một thế giới đa sắc màu, rực rỡ và lung linh dưới ánh nắng. Sở dĩ có con đường xinh đẹp như vậy là do các nghệ nhân trang trí bằng những chiếc ô nhựa đầy đủ sắc màu, mang đến cho du khách sự phấn khích, thích thú vì độ độc đáo của nó. 
Về mặt thẩm mỹ, nó đã làm tốt vai trò khi trở thành điểm check-in siêu hot vào mùa hè này, thu hút biết bao du khách đến đây thăm thú và chụp ảnh. Nhưng hơn hết, con đường ô này cũng chính là tiếng nói thể hiện đặc trưng của làng nghề Vạn Phúc. Những chiếc ô biểu trưng cho những tấm vải lụa nhiều màu sắc, mềm mại và uyển chuyển tung bay trong gió. 
Dọc hai bên đường ô cũng là các hàng quán bày bán các sản phẩm lụa là, san sát nhau trưng bày sản phẩm đặc trưng, đa dạng của làng nghề cổ truyền. Dưới cái nắng, con đường ô vốn đã lung linh, giờ đây kết hợp với sự uyển chuyển của lụa là càng thêm quyến rũ, bắt mắt và duyên dáng làm sao. 
Chắc chắn khi đến nơi đây, bạn chỉ cần giơ máy lên là có ảnh đẹp liền tay rồi!
 
(Con đường ô lung linh ngập tràn ánh nắng)

Tạo những bức hình đẹp tại tường bích họa

Thật sự phải nói, con người nơi đây rất yêu cái đẹp, đặc biệt là cái đẹp mang cốt hồn của văn hóa Việt Nam. Thế nên các cô giáo mầm non ở đây đã khắc họa lên bức tường bích họa, nhằm tạo nên một chút điểm nhấn cho sự duyên dáng của làng cổ truyền thống này. 
Đến và check-in tại đây sẽ là một kỉ niệm đáng nhớ, khi mà bạn có thể thỏa sức tạo dáng, chụp ảnh tại bức tường nhiều màu sắc được tô vẽ chỉn chu này. Hơn cả một bức họa, những đường nét được tạo nên nhằm tái hiện lại không gian cổ kính của làng nghề trước đây. Cho những ai muốn tìm và yêu nét đẹp giản đơn giữa nhịp sống tấp nập của phố thị.
 
(Nét vẽ chất phác, giản dị tại bức tường bích họa)

Thưởng thức và mua sắm tại chợ Vạn Phúc

Đến đây rồi, du khách sẽ không thể bỏ qua những mặt hàng tạo nên thương hiệu lụa Vạn Phúc đúng không nào! Tại chợ Vạn Phúc sẽ có đầy đủ các sản phẩm đặc trưng của làng nghề, các loại lụa tơ tằm nổi tiếng được khách hàng ưa chuộng bởi độ thẩm mỹ cũng như chất lượng của nó. Tại khu chợ sẽ có các cửa hàng được decor theo nhiều phong cách khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn mang nét đặc trưng giản dị của ngôi làng. 
Được thong dong ngắm nhìn, thưởng thức nét độc đáo rất riêng đến từ các sản phẩm tơ lụa, đây thật sự là một trải nghiệm đáng thử. Bạn cũng thể mua một ít sản phẩm nho nhỏ về làm quà kỉ niệm như: tranh lụa, nón lụa,... hoặc đơn giản chỉ là tấm vải lụa để may lên những bộ trang phục duyên dáng, thướt tha.
 
(Chợ lụa Vạn Phúc)
 
Tham quan chùa Vạn Phúc cổ kính 

Nép mình giữa những dải lụa thướt tha, ở Vạn Phúc cũng có một ngôi chùa cổ kính và thiêng liêng in hình bóng từ những ngày đầu lập làng cho đến bây giờ. Bởi vậy, đây sẽ không chỉ dừng lại ở một công trình kiến trúc đẹp mắt, mà còn là biểu tượng thiêng liêng mang những giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống Việt Nam. 
Theo dấu ấn lịch sử, trong hồ sơ “Di tích lịch sử văn hóa cụm đình chùa Vạn Phúc” có nhắc đến chùa được xây dựng cuối thời Lý, đầu thời nhà Trần. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, chứng kiến nét đổi thay từ chiến tranh cho đến hòa bình của đất nước, công trình vẫn giữ được hồn cốt của đất Việt, vẫn nguy nga, tráng lệ, mặc dù bị phá hủy vào năm 1947 và được phục dựng lại vào năm 1997. 
Khi đến với chùa, du khách sẽ cảm nhận sự linh thiêng, cổ kính được hình thành theo bề dày của năm tháng. Không gian sân vườn chùa được lát gạch đỏ, gốc cây đa cổ thụ, giếng sen, thác nước và cầu gỗ đều đã nhuốm màu thời gian. Từng âm thanh của tiếng chuông chùa vang lên, cùng tiếng gõ mõ, tụng kinh sẽ làm cho ta cảm thấy an yên, thanh tịnh hơn.
 
(Chùa Vạn Phúc in bóng thời gian)
 
Làng lụa Vạn Phúc đã trường tồn khoảng 1000 năm tuổi, đã và sẽ đang phát triển, mặc cho đời sống có đổi thay. Những dải lụa óng ả tung bay trong nắng, những hình ảnh thân thuộc mang nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam sẽ đưa bạn đến một khung trời bình yên giữa thủ đô náo nhiệt này.
 

(024) 7779 6888